TỰ DO LÀ GÌ?
Trong các văn bản giấy tờ của Việt Nam thường có ” Độc lập – Tự do – Hạnh Phúc”. Hai chữ “Tự do” dường như rất quen thuộc nhưng có bao giờ bạn tự hỏi Tự do là gì? Tự do có thật hay không? Làm sao để có tự do?
Bài viết của mình mang tính chất tham khảo và chia sẻ, vì mình cũng đang tự đi học và tư duy, để hoàn thiện và trưởng thành hơn.
Tự do theo vi.wikipedia.org
Trong vi.wikipedia đề cập đến khái niệm “Tự do” theo nhiều quan điểm, trường phái như:
- Tự do, theo triết học, liên quan đến ý chí tự do; là “thực tế của việc không bị kiểm soát bởi một thế lực đối với số phận; ý chí tự do”.
- Trong thần học, tự do là tự do khỏi những ảnh hưởng của “tội lỗi, tâm lý nô lệ, hoặc mối quan hệ ràng buộc với thế gian”.
- Trong chính trị, tự do bao gồm các quyền tự do xã hội và tự do chính trị mà tất cả các thành viên cộng đồng xã hội được hưởng và là tự do dân sự.
- Khái niệm quyền tự do theo quan điểm của những người theo chủ nghĩa tự do truyền thống là tự do của cá nhân khỏi sự ép buộc từ bên ngoài.
- Quan điểm của các nhà tự do xã hội đề cập nhu cầu về sự bình đẳng xã hội và kinh tế.
Tự do theo quan điểm của một số nhà Giáo dục
Theo Krishnamurti
Krishnamurti là một nhà triết học người Ấn Độ. Tư tưởng và những bài giảng, bài nói chuyện của ông hướng con người đến với Tự do hoàn toàn, một cách tuyệt đối.
Ông luôn nhắc mọi người về sức mạnh tinh thần của chính bản thân họ, luôn nhắc mọi người nhìn vào nội tâm, tự giải thoát ra khỏi những xiềng xích tư tưởng rập khuôn của người khác. Ông nhắc nhở mọi người đừng tự làm nô lệ cho bất cứ loại tư tưởng nào của bất cứ ai, dù đó là những người có uy quyền.
Dù được cả Đông Phương và Tây Phương nhìn nhận như là một trong những đạo sư uy tín nhất, bản thân ông không tùy thuộc vào tôn giáo, môn phái hay quốc gia nào, đồng thời, cũng không tham dự vào bất cứ một trường phái chính trị hoặc ý thức hệ nào. Ngược lại, ông cho rằng chính những hình thức tổ chức ấy đã chia rẽ con người, đã là nguồn gốc của chiến tranh.
Ông luôn luôn nhắc nhở sự tĩnh tâm, tự thanh lọc những kiến chấp đã tích lũy trong tâm trí qua thời gian, để tự giải thoát.
Thầy GIẢN TƯ TRUNG
Trong đoạn đối thoại bàn về Sự học thầy Giản Tư Trung đã có những tư tưởng rất sâu sắc về TỰ DO, sự khác biệt giữa Tự Do và Hoang Dã.
Hỏi: Có vẻ như ngày nay có nhiều người hiểu “tự do” theo nghĩa là muốn làm gì thì làm, ông nghĩ sao?
Đáp: Đúng vậy, ngày nay có không ít bạn trẻ ngộ nhận về khái niệm con người tự do.
- Tự do không phải là muốn làm gì thì làm.
- Con người tự do thì khác với con người hoang dã, con người nô lệ, con người công cụ, con người phận vị, con người nổi loạn…
- Con người tự do là con người biết sống theo cách của mình, nhưng có tự trọng và biết tôn trọng.
- Tự trọng tức là coi trọng lương tri và phẩm giá của mình, luôn cố gắng không làm gì trái với lương tri và phẩm giá.
- Còn tôn trọng ở đây có nghĩa là tự do của mình không phương hại đến tự do của người khác, và nếu vượt qua giới hạn này thì sẽ rất dễ trở thành con người hoang dã.
- Ngày nay, không chỉ có sự ngộ nhận giữa tự do và hoang dã, mà còn có sự ngộ nhận giữa đức tin và mê tín, giữa cá tính và quái tính, giữa chân thật và trơ trẽn, giữa mạo hiểm và liều mạng, giữa tự trọng và sĩ diện, giữa “hãy là chính mình” và “tôi là trên hết”…
- Nền tảng của tự do hay cá tính hay đức tin chính là khai minh và cách duy nhất để thoát khỏi sự ngộ nhận này là khai phóng bản thân. Chỉ có sự học khai phóng và khai phóng bản thân thì mới có thể có tự do, có đức tin, có cá tính, có chính mình một cách đúng nghĩa.
KẾT LUẬN:
Trong bất kỳ thời đại nào đều xuất hiện những nhà tư tưởng lớn, và họ có thể đưa ra nhiều khái niệm khác nhau để mô tả một vấn đề nào đó của xã hội. Khi bản thân chưa biết TỰ DO LÀ GÌ? Chúng ta cần học hỏi, tham khảo nhưng giữa vô số quan điểm tư tưởng đó, chúng ta nên làm như thế nào?
Rồi tự hỏi: Tại sao chúng ta cần có tự do? Và chúng ta cần tự do để làm gì?
Tự do có hay không?
Tự do bên ngoài
Thường thì chúng ta hay nghĩ một người tự do là muốn làm gì thì làm, muốn ăn gì thì ăn, muốn mua gì thì mua, muốn đi du lịch ở đâu cũng được… Nhưng khi có thể làm những việc như vậy để thỏa mãn mong muốn, nhu cầu của mình thì có thật sự là mình đang tự do hay là đang bị Lòng ưa thích, ham muốn của mình tri phối.
Tự do Nội tâm
Khi nhắc đến tự do Nội Tâm chúng ta hay để cho bản thân thích nghĩ gì thì nghĩ, rồi mơ mộng, nhớ nhung, thích cái này không thích cái kia… Tâm trạng lúc thế này thế kia, ta để nó tự do theo bản năng… như vậy có thật là tự do?
Về tự do Nội tâm con người bị lệ thuộc và trói buộc vào tư tưởng rất nhiều, hầu như không rơi vào Tập tục, lễ nghi này thì sẽ rơi vào tư tưởng Triết học của một ai đó hay một Tôn Giáo nào đó.
Nhưng không như vậy thì nên làm như thế nào? Như thế nào mới là TỰ DO? Có hay không tồn tại sự Tự do?
*KẾT LUẬN:
Quan sát Tự nhiên, thời tiết nắng mưa, sự vận hành của trời đất nó tuân theo quy luật của nó. Như vậy trời đất cũng chẳng có tự do, nhưng rõ ràng tự do khác với hoang dã, nên Tự do không có nghĩa là chúng ta sống mà không cần có một nguyên tắc nào cả hay không bị chi phối bởi một cái gì hay một tư tưởng nào.
Bản thân con người và vạn vật nằm trong vũ trụ được sinh ra theo những quy luật vũ trụ và Sự tự do, theo mình nghĩ là có thật.
Biểu hiện của Sự tự do là dù Nằm trong vũ trụ và bị chi phối bởi những quy luật của nó, nhưng có những người vẫn sống một cách hồn nhiên, thông thái, trí tuệ và không bị những quy luật đó làm cho họ khổ sở, than vãn, chán nản… Có những vùng đất trù phú, cỏ cây xanh tươi, con người thân thiện.
Tự do là cần thiết để mang đến sự sống, sức sống mãnh liệt, hài hòa, tươi tốt, bình yên và hạnh phúc.
Làm sao để có tự do?
Theo Krishnamurti
Krishnamurti kiên trì, tận tụy với lý tưởng “để cho mọi người được tự do, giải thoát vô điều kiện“.
Muốn vậy con người cần tự mình nỗ lực học hỏi, nghiên cứu và tư duy để nghĩ ra phương pháp phù hợp với mình.
Học và tư duy để tự giải thoát khỏi nỗi sợ hãi tiềm ẩn từ trong tiềm thức, về sự tự gỡ bỏ gông cùm của những lề thói trói buộc con người, gỡ bỏ sự sợ hãi về các loại địa ngục do các tổ chức thần quyền tạo ra để khống chế tín đồ, mỗi người phải là nguồn ánh sáng của bản thân, v.v…
Theo Thầy Giản Tư Trung
Sự học khai phóng sẽ giúp con người được sống là chính mình, học thật mới có thực lực, có thực học thì có thực lực để làm được những điều vĩ đại, từ đó mới là một người có TỰ DO.
Thầy Huyền Diệu
Những bài giảng của Thầy Huyền Diệu hay nói về sự chân thật, sống thật, thành thật, thành tâm và lòng biết ơn.
Tại sao sống thật lại mang đến tự do? Có lẽ đơn giản là sự thật là sự thật, khi bản thân không có sự sợ hãi hay lệ thuộc vào gì thì chúng ta mới dám nói thật, chúng ta không cần che dấu thì chúng ta mới làm thật, phơi bày rõ con người chân thật của mình…
Thầy Phan Văn Trường
Thầy cũng nói về sống thật, sống hồn nhiên, tích cực, thẳng thắn, bình đẳng… Một tổ chức mà những cá nhân trong đó sống hồn nhiên, tích cực, bình đẳng và chân thật thì nó sẽ có thể phát triển rất nhanh.
KẾT LUẬN
Để có tự do:
- Cần chăm chỉ học, đọc sách, nghiên cứu và tư duy
- Thực hành học thật, nghĩ thật, nói thật, làm thật, sống chân thật với nhau.